Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Sử dụng vỏ chuối lọc nước

Vỏ chuối có khả năng hút kim loại-đây là phát hiện mới của các nhà khoa học Brazil.Một phát hiện có thể mang tới hi vọng lớn cho các nước đang phát triển thiếu kinh phí cho các công nghệ lọc nước tiên tiến,đắt tiền.

Theo bài viết đăng trên chuyên san Industrial & Engineering Chemistry Research, vỏ chuối thái nhỏ có thể kết dính và hút các nguyên tố chì và đồng trong nước sông, tăng khả năng tìm kiếm kim loại độc hại của các thiết bị thô lên đến 20 lần. Đây là tin tức đáng mừng đối với các quốc gia đang phát triển, nơi chất lượng nước sinh hoạt kém trong khi chính phủ không đủ ngân sách để mua các công nghệ lọc nước tiên tiến.
Nhà phân tích hóa học Gustavo Castro của Viện Sinh học Botucatu (Brazil) cho biết nhóm của ông hết sức ngạc nhiên khi phát hiện khả năng hút kim loại của vỏ chuối, vốn hơn hẳn các vật liệu có công dụng tương tự như silica đã được biến đổi cấu trúc, nhôm và cellulose. Những chất này được tạo ra trong phòng thí nghiệm để phục vụ cùng một mục đích là lọc kim loại khỏi nước. Tuy nhiên, chi phí sản xuất chúng rất đắt đỏ, đó là chưa kể trong quá trình chuẩn bị có thể sản sinh những phụ phẩm độc hại.
loc nuoc bang vo chuoi

Những kim loại nặng như đồng và chì thường là nhân tố gây ô nhiễm nguồn nước, nhất là ở nơi gần nhà máy công nghiệp. Một lượng cực nhỏ các chất này trong nước uống có thể hủy hoại sức khỏe con người, gây ra triệu chứng từ chóng mặt đến hủy hoại gan và não. Tuy nhiên, rất khó phát hiện các kim loại này trong nước, nhất là khi chúng hiện diện với hàm lượng thấp. Do các phương pháp dùng silica hay nhôm vừa đắt vừa độc, nhóm của ông Castro thử xoay sang các vật liệu khác có trong tự nhiên như xơ dừa, vỏ táo… Nhưng chỉ có vỏ chuối chứng tỏ được khả năng tìm và hút kim loại. Phương pháp này thậm chí vẫn hoạt động tốt trong môi trường kiềm cao, thường có trong chất thải công nghiệp. Và một vỏ chuối vẫn giữ được khả năng kết dính với kim loại sau hơn 10 lần thí nghiệm.

Trước khi sử dụng vỏ chuối trong thực tế, các chuyên gia sẽ tiến hành những cuộc thử nghiệm trên nhiều loại chuối khác nhau, để chắc chắn rằng chuối ở Bangladesh cũng có cùng năng lực như chuối ở Brazil.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét