Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Tái chế nước thải để uống

Liên hợp quốc cảnh báo một nửa dân số trên thế giới sẽ đối mặt với tình trạng khan hiếm nước vào năm 2030. Điều này còn bị đẩy nhanh do sự biến đổi khí hậu và dân số gia tăng nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây.
 Thiếu nước đe dọa sản lượng lương thực, tạo nên hiểm họa về sức khỏe do việc sử dụng nước mất vệ sinh, gây nên cái chết của hàng triệu người mỗi năm bởi các bệnh lây nhiễm qua đường nước như tả và tiêu chảy.
tai che nuoc thai de uong



Giải pháp mới, hy vọng mới

Đây là năm thứ ba liên tiếp bang California (Mỹ) bị hạn hán trầm trọng, hồ chứa nước ở mức thấp kỷ lục, nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Những cộng đồng dân nhỏ thiếu nước sinh hoạt. Nhưng ở khu xử lý nước quận Cam (OWCD), một nhà máy xử lý nước thải tiên phong đã áp dụng công nghệ mới nhằm tái chế nước đã qua sử dụng (hay nước thải) thành nước uống.

Nhà máy đã tăng công suất từ 70 lên tới 100 triệu galon một ngày đủ cấp nước cho 850.000 người - bằng 1/3 số dân của quận. Khi sản lượng của OWCD kết hợp nguồn nước ngầm có thể phục vụ nhu cầu của hơn 70% dân số trong vùng.

Đây là một trong những cách cổ xưa nhất trên thế giới để tạo nguồn nước sạch phục vụ cộng đồng và có thể trở thành một giải pháp mẫu mực cho một vấn đề toàn cầu.

Sự an toàn của nước tái chế cũng được thiết lập trong những dự án tiên phong trên toàn thế giới. Đảo quốc Singapore trước đây mất an ninh nước nghiêm trọng, giờ có khả năng đáp ứng 30 % nhu cầu nội địa qua công nghệ tái chế nước thải biến thành nước uống được. Cùng với nước khử muối, đây chính là tiềm năng để Singapore dần tiến tới tự cung tự cấp về nước, tránh bị lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng của loại nước này vượt tiêu chuẩn nước uống của WHO và một phần lớn được đưa thẳng tới sử dụng trong những ngành đòi hỏi loại nước cực sạch. Loại nước mới này cũng được đưa vào sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày qua những chai nước tinh khiết NEWater.

Một trong những chương trình tái chế nước thải đầu tiên trên thế giới là ở Windhoek, Namibia , được vận hành từ năm 1968 chứng tỏ sự ưu việt của giải pháp này khi giải quyết được cả việc thiếu nước và các bệnh lan truyền qua nước.

Chủ tịch của Hội đồng nước thế giới Beneditio Braga nói: “Những tiêu chuẩn nước nghiêm ngặt hơn bởi sự mới lạ của công nghệ và quá trình. Tuy vậy, chất lượng nước thải (đã được xử lý) rất tốt, thậm chí bằng hoặc tốt hơn nước vòi ở bất cứ thành phố nào ở các nước phát triển”. Thông điệp này hiện giờ rất được chú ý và hình mẫu xử lý nước thải ngày một lan rộng.

Bang Texas bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán cũng tham gia dự án này, nhằm mục đích tạo ra 10 % nguồn cung mới bằng nước tái sử dụng vào năm 2060. Một nhà máy ở Big Spring đã khởi động chương trình nước “tái sử dụng có thể uống trực tiếp” đầu tiên ở Mỹ bằng cách đưa nước tái chế thẳng tới nơi cấp nước mà không qua khâu bơm xuống tầng nước ngầm.

Những bước đi dè dặt

Chương trình nước tái sử dụng ban đầu đã vấp phải sự giận dữ và phản đối kịch liệt từ phía công chúng. Ở thành phố Toowoomba (Australia) năm 2006, những nhà hoạt động ở địa phương đại diện cho nhóm “công dân chống lại nước thải tái chế để uống” lên tiếng phản đối khiến dự án đưa nguồn nước tái chế vào sử dụng thất bại, viện dẫn những nguy cơ về sức khỏe tiềm ẩn và những yếu tố nhạy cảm khác.

Nhưng Australia cũng chứng tỏ thái độ của công chúng dần thay đổi. Trong ba năm công khai thử nghiệm, tất cả những mẫu nước thử nghiệm qua xử lý đều đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về y tế và môi trường. Thành phố Perth sẽ nhận 20 % nước uống từ nguồn nước tái chế trong những thập kỷ tới.

Theo trung tâm tái xử lý nước Australia, từ đó một mạng lưới chương trình tương tự được thiết lập trên khắp đất nước. Các nhà tâm lý học nói rằng, sự ác cảm ban đầu là sâu sắc, nhưng khó khăn không phải không thể vượt qua.

Sự giận dữ của công chúng chủ yếu là từ cảm giác trước khái niệm “nước thải tái sử dụng”, bác sĩ Carol Nemeroff ở Trường đại học South Maine, người nghiên cứu phản ứng của dân đối với nước tái chế cho biết. Một trong những cách tốt nhất để vượt qua nó đó là cách xử lý thích hợp, nếu mọi người nhìn thấy nước sạch sẽ, tinh khiết và thử nó, dần dần sẽ khắc phục được suy nghĩ này. Khi thật sự nó đã trở thành thói quen thì yếu tố cảm giác sẽ giảm đi.

Ở quận Cam và những nơi khác, hòa lẫn nước tái xử lý và nước ngầm chỉ là biện pháp tình thế nhằm giảm thiểu lo ngại và xây dựng lòng tin của công chúng. Nhưng một khi nhận thức được cải thiện, các nhà vận hành hệ thống hy vọng đưa nước tái sử dụng đủ tiêu chuẩn thành nước uống trực tiếp, góp phần làm giảm năng lượng và chi phí, trong lúc vẫn tránh được nguy cơ bị “xa lánh” do cảm giác và làm tái lây nhiễm nước tinh khiết bởi công đoạn bơm nước đã xử lý vào nước ngầm. Chi phí chủ yếu cho quá trình xử lý là năng lượng và nó đang giảm xuống, ông Mike Markus nói. Cải tiến công nghệ lọc cho phép chúng ta sử dụng áp suất ít hơn.

Chi phí năng lượng cho thẩm thấu ngược đã giảm 75% từ năm 1970 trong lúc công nghệ mới nổi như Aquaporin có thể giảm chi phí nhiều hơn nữa. Thậm chí hiện nay chi phí lọc nước tinh khiết có thể còn rẻ hơn so với nước khử mặn hay nước nhập ở bang California. Ông Markus hy vọng những tiến bộ này sẽ cho phép chế tạo những máy móc gọn nhẹ có thể chuyển tới những vùng có nhu cầu lớn.

Nếu chi phí tiếp tục giảm và sự chấp nhận của công chúng tăng lên, nước thải qua xử lý có thể trở thành một vũ khí chủ chốt chống lại tình trạng khan hiếm nước trầm trọng đã được dự báo trong thế kỷ này. Những dự án tái sử dụng nước thải của Hội đồng nước thế giới hứa hẹn sẽ cung cấp nguồn nước uống bình thường ở nhiều thành phố trên thế giới trong vòng 30 năm tới. Hiện tại, cơ sở hạ tầng và công nghệ đã có. Vấn đề ứng dụng tới đâu chỉ phụ thuộc vào chúng ta mà thôi.
Nguồn: moitruong.com.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét